Tổng quan
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu măng lớn thứ ba thế giới với tiềm năng tăng trưởng đáng kể trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Ngành măng của nước ta, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc, mang lại cơ hội đầy hứa hẹn cho phát triển kinh tế và giảm nghèo. Tại một số vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La và Lào Cai, nơi có tỷ lệ người nghèo và người dân tộc thiểu số cao, măng là nguồn thu nhập quan trọng cho các hộ gia đình sống trong vùng đệm của rừng bảo tồn.
Hoạt động thu hái măng vốn dĩ được thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, tuy nhiên, với nhu cầu thị trường ngày càng cao, việc mở rộng sản xuất và chế biến măng đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Để khai thác tối đa tiềm năng của ngành hàng đầy triển vọng này, việc nâng cao kỹ thuật sản xuất và thu hái là vô cùng cần thiết. Ngành măng không chỉ hứa hẹn tạo ra nhiều việc làm mà còn là cơ hội để nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Dựa trên kiến thức về thị trường ngày càng sâu rộng về ngành măng và những thành quả của giai đoạn một, Dự án GREAT sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền tỉnh Lào Cai và Sơn La cùng các đối tác khác nhằm hỗ trợ phát triển bao trùm ngành hàng tiềm năng này.
Các can thiệp chính
Dự án áp dụng các biện pháp sau nhằm hỗ trợ sự phát triển bao trùm và bền vững của ngành măng tại tỉnh Sơn La và Lào Cai:
Mở rộng quy mô trồng và chế biến măng theo hướng bền vững nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nhân
Nâng cao khả năng cung ứng cây giống để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất nhanh chóng
Tăng cường năng lực cho các nhóm sản xuất và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, đồng thời mở rộng kết nối đến các thị trường cao cấp
Kết quả kỳ vọng
Phát triển vùng trồng măng rộng 5.000 hecta
7.200 hộ nông dân được đào tạo để nâng cao năng lực kỹ thuật trong sản xuất và cung cấp dịch vụ
5.040 hộ gia đình được cải thiện thu nhập
Tăng 15% tỷ lệ phụ nữ tham gia vào quyết định chi tiêu trong gia đình
80% số phụ nữ tham gia vào các hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ tự tin vào năng lực kỹ thuật của họ