GREAT / Tin tức / Updates

Phương pháp trồng rau thông minh hơn

06/07/2020

Cộng đồng làm nông nghiệp tại Mộc Châu, Sơn La đang tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc trồng rau không gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân và gia đình của họ và bảo vệ môi trường.

Việc giữ cho những cây rau không bị sâu bệnh phá hoại vừa quan trọng tới sinh kế của người nông dân, vừa đảm bảo nguồn lương thực cho họ, gia đình và cộng đồng của họ, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sức khỏe người cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng đồng thời không gây ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, vào thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, người dân trồng rau tại Mộc Châu còn hứng chịu những trận mưa đá, mưa rào nặng hạt gây thiệt hại về năng suất và mẫu mã cho rau, đặc biệt là rau ăn lá.

Để giải quyết những thách thức này, một dự án được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa Dự án “Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch” (GREAT) do chính phủ Australia tài trợ và Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI). Dự án tập trung vào việc cải thiện sản xuất, quản lý sau thu hoạch và phân phối hoa, quả và rau ở các huyện Mộc Châu và Vân Hồ.

Để giảm tác hại của thuốc trừ sâu hóa học, dự án khuyến khích sử dụng màng phủ Passlite, một loại vật liệu được làm từ vải không dệt Spunbond và sợi tổng hợp polyester, được sử dụng lần đầu tiên ở Nhật Bản cách đây 30 năm. Passlite cho phép cây rau phát triển mà không cần hóa chất, ngoài một lần phun trước khi gieo hạt. Ngoài ra, trước khi gieo hạt cũng cần bón một lần phân và cần có đủ độ ẩm để rau ăn lá phát triển tốt. Việc che phủ cũng giúp bảo vệ rau không bị hư hại do mưa rào và mưa đá, dẫn đến sản lượng rau tốt hơn.

Với các loại rau ăn lá, thời gian thu hoạch khi chị sử dụng màng phủ Passlite khoảng 27-30 ngày sau gieo hạt, ngắn hơn so với không phủ 3-5 ngày. Năng suất rau trồng khi dùng màng phủ tăng từ 15-16 tấn/ha lên 18-20tấn/ha.

Bà Nguyễn Thị Đào – 52 tuổi ở bản An Thái xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, đã tham gia dự án và thấy rằng công nghệ Passlite là một phương pháp quản lý cây trồng tốt hơn nhiều so với những phương pháp bà đã áp dụng trước đây. Với những loại rau trông khỏe mạnh và được trồng theo hướng an toàn hơn, hiện bà Đào có thể bán với giá khoảng 12.000 đồng một kg, trong khi giá rau trồng không qua Passlite là khoảng 10.000 đồng một kg.

Màng phủ Passlite có thể tái sử dụng 3-5 lần nên chi phí khấu hao được giảm xuống. Đồng thời, chị không phải bón phân nhiều lần, không phải làm cỏ nên tiết kiệm công lao động đáng kể. Khi không dùng màng phủ thì chị phải phun thuốc 5-7 ngày/lần, nguy cơ vượt ngưỡng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau khó tránh khỏi dẫn đến chất lượng rau không đảm bảo an toàn.

Chị Đào cho biết: “Tôi thấy có sự khác biệt rõ rệt. Rau tôi gieo cùng một ngày, cùng một loại giống cải thì thấy luống có che phủ vải không dệt rau phát tiến tốt hơn, lá rau mỡ màng. Còn rau sản xuất theo phương pháp không che bị sâu bọ nhảy cắn lá, cây cằn cọc, phát triển chậm.”

Chị cũng được cán bộ của FAVRI thường xuyên đến trực tiếp hỗ trợ công nghệ, hướng dẫn trên đồng ruộng và các vật tư để thực hiện việc sản xuất rau ăn lá. Chị Đào cũng rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều hộ dân trong và ngoài xã đến thăm quan học tập.

Xã Mường Sang có diện tích sản xuất rau ăn lá trên 100ha với hơn 80 hộ, người dân sản xuất chủ yếu sản xuất ngoài trời với các loại rau: cải canh, cải canh, xà lách, hành lá… Qua mô hình nhà chị Đào, 10 hộ dân tại bản An Thái, xã Mường Sang và 4 hộ dân ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, xã Phiêng Luông và xã Tân Lập đã đến học tập kinh nghiệm và về áp dụng với diện tích trên 7.000m2. Các hộ dân đã nhận thức được hiệu quả của công nghệ vải không dệt cho sản xuất rau ăn nên đã chủ động mua thông qua sự giới thiệu của cán bộ FAVRI.

“May nhờ Dự án hỗ trợ mà giờ tôi đã biết sản xuất rau an toàn là hạn chế sử dụng thuốc sâu, phân hóa học,” chị Đào phấn khởi nói.

“Trước kia, mỗi lần phun thuốc về là tôi thấy rất mệt và đau đầu, còn các loại côn trùng có lợi trên đồng ruộng như: bọ rùa, cóc, nhái,.. cũng bị tiêu diệt. Đất đai thì bị cẵn cỗi, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Bây giờ, tôi đi bán rau ngoài chợ cho mọi người cũng yên tâm vì rau của mình an toàn, họ về ăn không bị độc mà lại thấy ngon, lần sau họ lại tìm mua rau của tôi.”