Phụ nữ Chiềng Keng kết nối với thị trường gia vị và nước hoa thế giới
06/07/2020
Trước đây, những người phụ nữ vùng cao xã Chiềng Keng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chỉ biết trồng ngô, khoai, sắn để trang trải cuộc sống hàng ngày. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian của các chị em và cho thu nhập thấp.
Những phụ nữ này giờ đây đã được kết nối với dự án phát triển chuỗi cung ứng nhựa bồ bề và gia vị hữu cơ do Công ty Đức Phú thực hiện với sự hỗ trợ của dự án GREAT được tài trợ bởi chính phủ Úc. Dự án giúp nâng quyền và hỗ trợ chị em phụ nữ chuyển đổi từ trồng bồ đề lấy gỗ sang lấy nhựa (nguyen liệu được sử dụng trong sản xuất nước hoa), và trồng cây gia vị hữu cơ dưới tán cây bồ đề, giúp đa dạng hóa và tăng nguồn thu nhập.
Những người tham gia đã hiểu được lợi ích của việc chuyển đổi khai thác bền vững từ lấy gỗ sang lấy nhựa và xen canh trồng gừng hữu cơ dưới tán bồ đề. Đây không những là cách khai thác thân thiện hơn với môi trường mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Công ty Đức Phú thu mua benzoin (nhựa bồ đề) từ người dân trong xã để sơ chế thành các sản phẩm benzoin, và đang nỗ lực phát triển chuỗi giá trị bền vững cho cả cây bồ đề và gừng với sự hỗ trợ của GREAT. Công ty đã tiến hành thành lập tổ nhóm và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác nhựa cây bồ đề cho người dân cũng như cách trồng xen gừng nghệ dưới tán rừng theo hướng bền vững.
Đồng thời, qua các cuộc tập huấn đào tạo kỹ năng quản lý nhóm, các chị em mạnh dạn hơn trong các cuộc họp và đã tự tin chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm của mình trong quá trình sản xuất. Chị em cũng nắm được các kỹ năng tổ chức cuộc họp, kỹ năng điều phối công việc và làm việc nhóm và đã có thể chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh theo kế hoạch của công ty.
Thấy rõ lợi ích khi tham gia dự án, một số chị em đã tự đi vận động các hộ dân chưa tham gia vào chuỗi sản xuất gừng nghệ và khai thác benzoin để chủ động chuẩn bị cho mùa vụ sang năm. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy tiềm năng tăng số hộ tham gia trong cộng đồng là rất lớn.
Chị Hoàng Thị Cảnh chia sẻ: “Lúc đầu chị cũng e ngại không biết tham gia dự án trồng gừng như thế nào, nhờ có mấy chị em đã tham gia trước đó chia sẻ nên chị cũng tự tin hơn. Bây giờ nếu có gì không biết là chị lại hỏi mấy chị em trong nhóm, mọi người giúp đỡ chị nhiệt tình lắm, nên cũng an tâm hơn.’’
Công ty cũng khuyến khích phụ nữ tham gia vai trò lãnh đạo tổ nhóm và thường xuyên lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong các buổi tập huấn kỹ thuật. Tháng 10 năm 2020, công ty Đức Phú đã phối hợp cùng Hội Phụ Nữ huyện Văn Bàn triển khai sự kiện về bình đẳng giới để chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Chị em các xã ở đây đã tham gia các tiết mục văn nghệ, những tiểu phẩm hài hước về chủ đề gia đình, bình đẳng giới để thúc đẩy chia sẻ công việc cũng như chia sẻ quyền ra quyết định giữa nam và nữ trong gia đình.
Lúc bắt đầu dự án, chị em xã Chiềng Keng khá rụt rè và e ngại khi đăng kí tham gia nhưng đến nay, sau 1 năm dự án triển khai, hầu hết số người hưởng lợi là phụ nữ.
Chị Vương Hồng Việt, từ khi tham gia vào trồng gừng, từ một người phụ nữ chỉ biết trồng ngô, khoai, sắn, đã được đào tạo để trồng gừng theo tiêu chuẩn Organic.
Chị Việt vui vẻ cho biết: ‘’Tôi cùng các chị em phụ nữ trong bản được học cách khai thác nhựa bồ đề bền vững và trồng gừng hữu cơ dưới tán rừng. Thu nhập đem lại cao hơn gấp 2-3 lần so với các loại cây cũ như ngô, khoai và sắn. Tôi sắm sửa được nhiều vật dụng trong gia đình. Cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chúng tôi rất rất tin tưởng và hi vọng về tương lai của mô hình này.”
Bình quân một hộ dân có 1 ha cây bồ đề khai thác lấy nhựa 1 năm đạt từ 300-400 kg. Chị em bán cho công ty là 350.000 VNĐ/kg. Đây là mức giá mà công ty đã họp công khai, thống nhất cùng bà con địa phương.
Trước đây, bồ đề chỉ trồng để bán lấy gỗ, với chu kì 8 năm thì 1ha bồ đề sẽ bán được 60 triệu. nhưng từ khi chị em tham gia vào dự án thì chị em đã chuyển đổi sang khai thác nhựa bền vững với giá trị là 1,5 tỷ/ha/năm.
Họ đang canh tác, chế biến và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế ( như tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn UEBT – Thương mại sinh học có đạo đức).
Những chứng nhận quốc tế này yêu cầu không sử dụng chất hóa học, thuốc trừ sâu, bảo tồn đa dạng sinh học, và bảo vệ môi trường. Hiện tại, 40 hộ dân với 107 phụ nữ dân tộc thiểu số đang khai thác 500ha rừng bồ đề lấy nhựa và canh tác 37ha theo phương thức hữu cơ.
Anh Triệu Tài Lâm – Chủ tịch xã Chiềng Keng chia sẻ: “Dự án GREAT và Công ty Đức Phú hỗ trợ người dân sản xuất đã giúp làm tăng thu nhập cũng như giúp chị em dân tộc thiểu số có tiếng nói hơn trong cộng đồng.”
Huyện Văn Bàn đã quy hoạch vùng nguyên liệu bồ đề lấy nhựa và phối hợp xây dựng quy trình kỹ thuật chuyển đổi trồng cây bồ đề sang khai thác nhựa và trồng gừng hữu cơ dưới tán rừng trên tổng diện tích 1.000ha.
Theo anh Lâm, các kết quả đó sẽ đóng góp tốt cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp tại địa phương./.