GREAT / Tin tức / Updates

Nông nghiệp mới đang cải thiện cuộc sống của phụ nữ Văn Bàn

11/04/2021

Dự án Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (Dự án GREAT) được tài trợ bởi chính phủ Australia đã và đang được triển khai tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai 2 năm nay. Sự đóng góp của dự án đối với sự phát triển kinh tế địa phương đang ngày một hiện rõ, nhất là những tín hiệu khởi sắc tích cực tại cộng đồng địa phương.

Kết hợp với chính phủ Việt Nam, dự án GREAT kéo dài 5 năm (2017 đến 2022) phối hợp với các ngành, cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ để tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp. Phụ nữ dân tộc thiểu số đã chứng tỏ được năng lực tham gia phát triển kinh tế trong những lĩnh vực này. Dự án cũng chú trọng truyền thông về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Dự án GREAT khuyến khích những thay đổi thông qua việc nâng cao quyền năng của phụ nữ và phát triển hệ thống thị trường. Cách tiếp cận của dự án được xây dựng trên nền tảng hiểu thấu tình hình, hoạt động linh hoạt và ứng phó cần thiết cho sáng tạo và gợi mở những cơ hội kinh doanh cũng như tác động thay đổi trong xã hội. Nông nghiệp là một lĩnh vực đa dạng, điều này có thể thấy trong danh sách các dự án do GREAT hỗ trợ. Do đó, GREAT đang hợp tác với nhiều đối tác và cộng đồng khác nhau.
Nông nghiệp đóng một vai trò kinh tế quyết định và mang tính chất tự cung tự cấp đối với đại bộ phận dân chúng tại huyện Văn Bàn. Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển nhanh với khả năng tăng 16% đóng góp vào tổng GDP cả vùng. Trong lĩnh vực này, phụ nữ đóng vài trò thiết yếu trong mọi khâu, từ trồng trọt đến thu hoạch.

Một trọng tâm của GREAT là hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đa dạng hóa hoặc từ bỏ các cây trồng cơ bản như ngô và sắn để chuyển sang trồng những giống cây có giá trị kinh tế cao hơn. Những cây hoa màu phổ biến thường bán được giá thấp trong khi nhưng giống cây giá trị cao và hợp thổ nhưỡng địa phương như một số loại rau, cây quế, cây bồ đề hay gai xanh giúp hộ gia đình canh tác có thể đa dạng hóa nguồn thu nhập nhằm ổn định kinh tế hơn.

Sau đây là tổng quan những hỗ trợ mà dự án GREAT đã thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp có tác động lớn tới cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ.

Dự án măng sặt

Mội điển hình cho sự hiện diện của GREAT tại Văn Bàn là dự án trồng măng sặt. Cùng với các đối tác của mình, GREAT đã phổ biến cho bà con kỹ thuật trồng và thu hoạch măng tiên tiến nhất nhằm tạo ra quy trình bền vững cho năng suất cao trong những năm tới.

Theo chị Bàn Thị Mấy, bây giờ chị biết trồng măng và chăm sóc cây tre cho mùa vụ tiếp theo, thay vì đơn giản như mọi khi là thu hoạch măng của mùa này và không nghĩ gì tới cho vụ sau.

Ban Quản Lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn đang hợp tác với GREAT để mở rộng diện tích trồng măng và với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thủy Sơn để ký kết hợp đồng thu mua 70 tấn măng đã tước vỏ với giá 27.000 đồng một kg. HTX đã cam kết thu mua 170 tấn măng trong năm 2021, mang lại cho bà con tổng giá trị hợp đồng là 4,8 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Hùng, giám đốc HTX Thủy Sơn giải thích rằng HTX thu mua hết măng sạt trên địa bàn và thuê 30 đến 40 phụ nữ sơ chế măng tùy theo thời vụ. Sau đó, HTX bán sản phẩm sơ chế cho các nhà máy chế biến.

Với sự hỗ trợ của GREAT, HTX đã đầu tư một nhà sấy năng lượng mặt trời để sấy măng, dược liệu và các loại nông sản khác.

“Cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều vất vả. Nhờ có hỗ trợ của GREAT, chúng tôi mới có được thu nhập từ việc trồng và bán măng,” ông Hùng nói.

Chị Hoàng Thị Tiến, một công nhân tại HTX nói chị kiếm được 250.000 đồng/ngày.

“Khi hết mùa măng, chúng tôi lại về làm ruộng,” chị cho biết. “Dự án của GREAT đã giúp chúng tôi có thu nhập bền vững từ sản phẩm măng sặt.”

Dự án bồ đề

Bồ đề là nguyên liệu chính để sản xuất nước hoa và tinh dầu. Nhựa bồ đề được lấy từ thân cây bồ đề vốn được trồng đã lâu tại Văn Bàn. Trước đây dân địa phương và các huyện xung quanh vẫn chỉ khai thác gỗ từ cây này.

GREAT đã hợp tác với Công Ty Nông Lâm nghiệp Đức Phú phổ biến quy trình khai thác nhựa bồ đề ở Văn Bàn. GREAT và Đức Phú đã tập huấn cho dân cách chăm sóc cây, cách lấy nhựa đảm bảo chất lượng. Nhựa bồ đề có thể được bán ở thị trường trong và ngoài nước.

Chị Triệu Thị Liều, một phụ nữ người Dao tham gia dự án cho biết gia đình chị và nhiều hộ dân địa phương bao lâu nay vẫn chặt cây bồ đề để lấy gỗ bán. Nhưng giờ họ đã nhận ra rằng khai thác nhựa mới đem lại lợi nhuận bền vững hơn vì họ có thể khai thác nhựa trong nhiều mùa. Nhựa bồ đề lại bán được giá cao hơn giá gỗ.

Công ty Đức Phú đang đầu tư mở rộng khu vực trồng bồ đề và khuyến khích dân địa phương tham gia vào quy trình trồng và thu hoạch. Người dân được tập huấn kỹ thuật một cách bài bản.

Anh Trần Văn Đính, Phó Giám Đốc Công Ty Đức Phú giải thích thêm rằng GREAT và Đức Phú đang hỗ trợ các hộ gia đình trồng xen cây gừng dưới tán cây bồ đề. Nhờ đó, các hộ có thể đa dạng nguồn thu nhập và không phải đợi quá lâu trước khi thu hồi vốn.

“Vì trồng bồ đề thì phải mất từ 5 đến 7 năm cây mới đủ trưởng thành để cho khai thác nhựa, chúng tôi khuyến khích các hộ dân trồng gừng dưới tán bồ đề để có thể thu tiền nhanh hơn trong khi đợi khai thác được nhựa bồ đề,” and Đính cho biết.

Dự án khai thác nhựa bồ đề đã giúp thay đổi cuộc sống của những phụ nữ địa phương như chị Liều.
Chị cho biết: Cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó khăn hơn. Chúng tôi đã mua được nhà mới và giờ tôi đã có thể mua được một chiếc điện thoại thông minh. Trước đây, tôi hầu như không dám mơ đến những điều này.

Dự án quế hữu cơ

Việt Nam là nơi cung cấp nguyên liệu quế lớn thứ 3 thế giới sau Indonesia và Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm quế Việt Nam đang được xuất khẩu đi Ấn Độ, Trung Đông, Nhật, Hàn, Mỹ và EU. Thị trường quốc tế cho sản phẩm quế hữu cơ đã tăng trưởng 30-40% trong những năm gần đây. Vina Samex, công ty xuất khẩu gia vị đi khắp thế giới, cần thu mua khoảng 2,000 tấn nhiên liệu mỗi năm.

Bốn đối tác sản xuất quế của GREAT bao gồm Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, tổ chức SNV, Công ty Sơn Hà và Vina Samex đang tạo cơ hội cho phụ nữ địa phương trồng và thu hoạch quế với kỹ thuật tiên tiến và giúp tiêu thụ thuận lợi hơn.

Gần đây, Vina Samex đã phổ biến ứng dụng điện thoại Nhật ký nông hộ điện tử tới hơn 700 hộ gia đình ở Văn Bàn trong khuôn khổ dự án trồng quế hữu cơ của Vina Samex với sự giúp đỡ của GREAT.
Nhờ có ứng dụng này, mỗi hộ gia đình có thể lưu lại hoạt động hàng ngày và chuyên gia của Vina Samex có thể theo dõi từ xa và trợ giúp khi cần thiết.

“Nó rất dễ dùng vì có nhiều hình ảnh hơn là chữ,” chị Đặng Thị Diện, dân tộc Dao cho biết. “Trên ứng dụng này, tôi có thể cập nhật thông tin về cây quế, những việc tôi làm hàng ngày cho cây…Nếu cây bị sâu bệnh, tôi chụp ảnh, tải lên ứng dụng và hỏi chuyên gia xem tôi phải làm gì. Tôi có thể nhận được lời khuyên rất nhanh từ chuyên gia kỹ thuật,” chị Diện nói.

Dự án cây gai xanh

Theo ông Trần Văn Liên, chủ nhiệm HTX Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ Môi trường Gia Lan, HTX của ông là một trong những đơn vị tiên phong thử nghiệm trồng cây gai xanh ở huyện Văn Bàn. Ông vận động các hộ gia đình địa phương trồng gai xanh và bán cho HTX. Sau đó, HTX bán lại cho công ty An Phước để chế biến thành vải dệt.

“Lúc đầu rất khó khăn vì mọi người bị thất vọng nhiều lần khi chuyển đổi cây trồng trước đây. Nhiều dự án như trồng cà chua và nghệ đã thất bại vì không kết nối được người nông dân và những đầu mối mua buôn,” ông Liên nói.

Với dự án GREAT, mọi người đang có thu nhập từ việc trồng cây gai và tổng diện tích trồng trên toàn huyện đã lên đến 50 hecta. Có 171 hộ gia đình, trong đó có 332 phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Mông, và Xa Phó đang tham gia dự án.

Dự án bánh chưng đen

Từ năm 2020, dự án GREAT đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Văn Bàn hỗ trợ các doanh nghiệp mới do phụ nữ làm chủ. Trong đó có cơ sở sản xuất bánh chưng đen của chị Hoàng Thị Huế.

Trước khi có dự án, chị Huế muốn mở rộng sản xuất nhưng không biết làm thế nào. Được hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn, chị Huế đã xây dựng được thương hiệu bánh chưng đặc sản. Chị thuê phụ nữ địa phương và có thu nhập 15-16 triệu đồng mỗi tháng thay vì 2-4 triệu mỗi tháng như trước kia.

Bánh chưng đen là đặc sản của người Tày. Sản phẩm nhà chị Huế đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh cho sản phẩm chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.

Kỳ vọng tương lai

Nông nghiệp là nền tảng quan trọng và đem lại nguồn thu nhập chủ yếu đối với cộng đồng dân tộc miền núi tây bắc Việt Nam. Với những nhiều cách mở rộng sản xuất và tìm hiểu nhu cầu thị trường, những cộng đồng này có thể tạo thu nhập bền vững và đứng vững trước những biến động kinh tế. Bằng cách vận động nhiều phụ nữ tham gia, GREAT đang tạo cơ hội cho cả đàn ông và phụ nữ thay đổi vai trò xã hội, giúp phụ nữ và gia đình họ được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của vùng.