Niềm tự hào từ những người phụ nữ trồng chè của Bản Liền
06/07/2020
Vàng Thị Vân là người dân tộc Tày ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Như nhiều phụ nữ khác ở bản, Vân có trình độ học vấn hạn chế (chỉ học hết lớp 9) và phải đảm đương mọi công việc gia đình cũng như công việc đồng áng.
Trong bản của Vân, phụ nữ thường dọn về sống với gia đình nhà chồng sau khi kết hôn. Từ khi về nhà chồng, Vân phải lên nương khi mặt trời chưa mọc, tối lại về chăm gà lợn, gia súc.
Vân làm việc không lúc nào ngơi tay mà thu nhập chẳng được là bao, chỉ tự sản tự tiêu là chính.
Cũng như hầu hết phụ nữ trong bản, hầu như toàn bộ thời gian của Vân và đều dành cho công việc chăm sóc đồng áng và nông nghiệp tự cung tự cấp cũng như không được trả lương nên họ có rất ít thời gian đầu tư phát triển tiềm năng của mình để kiếm thu nhập, hỗ trợ gia đình và trở nên độc lập về tài chính. Sự bất bình đẳng trong chia sẻ công việc gia đình và việc đồng áng cũng tạo ra gánh nặng lên đôi vai người phụ nữ, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tinh thần của họ.
Từ tháng 6/2020, Vân được mời tham gia một dự án do Helvetas Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ của dự án GREAT của Chính phủ Úc. Dự án tập trung vào việc nâng cao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua việc trồng và thu hoạch dược liệu xen canh với chè Shan. Đây cũng là dấu mốc thay đổi cuộc sống của Vân.
Thông qua dự án, Vân được tiếp thu những kiến thức mới về sản xuất cây chè Shan theo tiêu chuẩn hữu cơ, về quản lý chi tiêu trong gia đình và làm sao để khuyến khích chồng cùng chia sẻ việc nhà.
Dự án cũng giúp kết nối Vân với các nông dân trồng chè khác ở Hợp tác xã Chè Bản Liền, nơi hỗ trợ nông dân sản xuất chè hữu cơ và thu mua chè đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ và Nhật. Sản phẩm cũng được chính quyền địa phương lựa chọn làm sản phẩm tiêu biểu của xã theo mô hình Mỗi Xã Một Sản Phẩm (OCOP).
Hiện giờ có khoảng 400 hộ dân (trong đó có 350 phụ nữ dân tộc Tày) tham gia bán chè cho Hợp tác xã Chè Bản Liền. Mỗi năm họ thu hoạch trung bình 4 vụ, thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng mỗi năm. Mức thu nhập này tốt hơn trước vì giá thu mua là 14.000-15.000 đồng/kg, cao hơn so với 10,000 đồng/kg trước đây.
Cả nhóm sản xuất của Vân giờ đều thành thạo các kỹ thuật canh tác hữu cơ, không dùng hóa chất, biết cách trồng xen để tối ưu diện tích sản xuất, biết tỉa cành, tạo dáng để cây chè xòe tán rộng, ra búp nhiều, đẹp và đều hơn. Những vườn chè Bản Liền hiện nay cho sản lượng tăng 20% so với trước.
Với 3ha trồng chè Shan tuyết, mỗi năm Vân thu hoạch được 1 tấn chè và được xưởng của xã thu mua hết. Thu nhập ổn định, gia đình cô đã bắt đầu có của ăn của để.
“Nhóm sản xuất của em có 41 phụ nữ, mọi việc cùng làm với nhau nên tự tin hẳn. Cả đội cứ đi lần lượt từng nhà, nay thu hoạch ở vườn nhà này xong, mai lại sang làm cho nhà bên cạnh, rất nhanh gọn, hiệu quả, lại còn vui nữa”, Vân kể.
Dự án cũng giúp nâng cao ý thức chia sẻ việc nhà giữa vợ chồng Vân. Chồng Vân thấy vợ vui vẻ nên cũng ủng hộ, bắt đầu đỡ đần việc nhà để vợ có thêm thời gian đi học và hướng dẫn cho các hộ khác. Bản thân anh cũng được mời tham gia nhiều buổi tập huấn cùng với vợ như các cặp vợ chồng khác. Trước đây anh hầu như không làm việc nhà, nhưng giờ anh chẳng ngại giúp vợ nấu cơm, rửa bát, giặt đồ,… để vợ đỡ vất vả.
“Giờ bố mẹ và chồng em tự hào về em lắm. Tình cảm làng xóm cũng tốt hẳn lên, mọi người đều đoàn kết, chia sẻ cùng nhau. Em đi làm công tác hòa giải, công tác Hội cũng thuận lợi hơn hẳn vì mọi người đều tin tưởng mình,” cô nói.