Du lịch cộng đồng giúp nông dân trồng mận phát triển kinh tế
11/04/2022
Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nằm ở độ cao trung bình khoảng 1.050m so với mặt nước biển, cách Hà Nội 180km về hướng Tây Bắc. Đây là vùng đất màu mỡ, khí hậu ôn hòa, được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan đẹp. Ngoài ra, huyện Mộc Châu còn có nền văn hóa đa dạng, độc đáo bởi đây là nơi cư trú của 12 dân tộc anh em.
Từ những lợi thế này, huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Du khách trong và ngoài nước thích thú khi được trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, tìm hiểu về đời sống người dân bản địa trong những nếp nhà sàn homestay. Tại đó, họ được trải nghiệm đời sống của người dân bản địa, cùng đi hái mận, trồng rau sạch, hòa mình vào những điệu xòe Thái, ngủ trong những nếp nhà sàn truyền thống và thưởng thức đặc sản núi rừng.
Những năm gần đây, dự án “Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch” (hay còn gọi là GREAT) do chính phủ Australia tài trợ đã hỗ trợ người dân bản Tà Số 1 và Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu phát triển mô hình du lịch, nâng cao năng lực cho phụ nữ và cải thiện thu nhập cho bà con.
Hai bản Tà Số có 330 hộ thì hiện đang có 6 hộ đầu tư dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch trong những ngôi nhà truyền thống của người Mông với mái lá, tường gỗ, nằm giữa những vườn mận đặc sản Mộc Châu.
Nằm trên đỉnh đồi cao 1.100m so với mực nước biển, homestay Hoa Phong của gia đình anh Mùa A Hạng và chị Sùng Y Hoa là một trong những địa chỉ thu hút du khách nhất tại đây nhờ phong cảnh hùng vĩ và khu vườn mận thơ mộng bao quanh.
Cái tên Hoa Phong gợi nhớ đến hai đặc sản của vùng đất này. Đó là hoa và gió. Khu homestay có 2 phòng riêng và gia đình anh chị đang hoàn thiện một nhà cộng đồng có thể đón được 20 khách.
“Trước đây gia đình tôi làm nông nghiệp, chỉ biết trồng mận, trồng đào. Kể từ năm 2021 thì bản Tà Số được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi mạnh dạn bắt tay vào làm mô hình homestay,” anh Hạng kể.
Vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động du lịch bị ngừng trệ trong nhiều tháng. Do đó cả năm 2021 anh chị chỉ đón được 9 lượt khách. Tuy nhiên, anh Hạng vẫn khẳng định doanh thu từ homestay cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp.
“Tính trung bình một tháng đón 2 đoàn khách thì tôi thu được 10 triệu. Doanh thu hàng năm đạt 120 triệu, còn làm nông thì chỉ bằng 20% thôi. Khi du lịch hồi phục, hàng tuần đều có khách thì thu nhập còn cao hơn nữa,” anh cho biết.
Vợ của anh, chị Sùng Y Hoa cho hay tham gia dự án GREAT, anh chị được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp nên mới dám đầu tư 200 triệu xây nhà làm homestay.
Ngoài ra, chị Hoa còn được đào tạo kỹ năng làm du lịch, học nấu ăn, tiếp khách, hỗ trợ trồng hoa, cây cảnh cho khu homestay và được đi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh khác như Lào Cai, Lai Châu.
“Tham gia dự án, tôi thích nhất là được học nấu ăn. Khách du lịch trong nước và nước ngoài có thói quen ăn uống khác nhau, chẳng hạn phục vụ khách Việt thì tôi bày các món ăn lên mẹt tre còn khách nước ngoài thì thường ăn theo khẩu phần nên tôi bày đĩa riêng cho họ,” chị chia sẻ.
Lúc đầu chị Hoa cũng lo lắng vì chưa từng có kinh nghiệm làm du lịch, vốn bỏ ra thì nhiều nhưng khi có những đoàn khách đầu tiên, chị bắt đầu thấy háo hức và tự tin hơn nhiều. Nhờ dự án, chị có thêm kiến thức, kỹ năng để tự tin nói chuyện với khách, thuyết minh về văn hóa, phong cảnh địa phương.
Anh Mùa A Lu, trưởng bản Tà Số 2 nhận định rằng du lịch chưa mang lại nguồn thu lớn cho người dân do dịch COVID-19 nhưng từ khi các hộ dân đầu tư homestay thì bản làng cũng đẹp hơn, sạch sẽ hơn.
“Tôi nhận thấy qua các lớp tập huấn của GREAT thì phụ nữ trong bản giờ thay đổi nhiều lắm. Họ ý thức được bình đẳng giới, tự tin hơn và chủ động quản lý kinh tế gia đình. Khi nhà có khách thì trước đây vợ chỉ có ở dưới bếp. Ngày nay thì người phụ nữ năng động ra tiếp khách, biểu diễn văn nghệ, giao lưu với khách, phụ trách nấu nướng, dọn dẹp buồng phòng, cùng trò chuyện với khách về nếp sống của người bản địa. Đó là những yếu tố hấp dẫn khách du lịch,” ông nói.
Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu đánh giá rất cao hiệu quả của dự án GREAT đối với người dân nói chung và phụ nữ nói riêng. Bà khẳng định rằng chính quyền địa phương sẽ phối hợp với dự án để phụ nữ thêm tự tin và giúp được nhiều phụ nữ hơn nữa.
“Dự án GREAT giúp phát triển nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch nhờ sản phẩm nông nghiệp từ đó người dân phát triển sản phẩm có nguồn gốc địa phương như hộp tăm gỗ, rèn dao, làm son từ hạt sachi. Sự tự tin của phụ nữ sau khi tham gia dự án tăng lên rất nhiều,” bà nói.
Từ kinh nghiệm với dự án GREAT, chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho các hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể, lãnh đạo huyện, tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phối hợp với tổ chức, cá nhân, các công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh. Sự hỗ trợ này không chỉ xây dựng ngành du lịch Mộc Châu mà còn giúp người dân bảo tồn và phát huy nét văn hóa đa dạng của khu vực, đồng thời phát triển kinh tế địa phương./.