Đổi đời nhờ trồng quế hữu cơ
06/07/2020
Bắc Hà là một huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai, với 83% dân số là người dân tộc thiểu số. Số hộ nghèo chiếm 28% dân số của toàn huyện.
Cây quế mang lại tiềm năng to lớn về thu nhập và tạo việc làm, đặc biệt là cho cộng đồng dân tộc thiểu số và phụ nữ ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, do đây là loại cây phát triển lâu đời ở vùng Tây Bắc Việt Nam và nhu cầu trong nước và quốc tế về loại cây này là vô cùng lớn. Thu nhập chính của nông dân là từ quế, chiếm khoảng 75-80% tổng thu nhập. Phần thu nhập còn lại đến từ trồng lúa, ngô và sắn. Phụ nữ có vai trò lớn trong canh tác quế và tham gia vào tất cả các khâu sản xuất. Người dân xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà đã trồng quế từ lâu đời nhưng chủ yếu theo hướng tự phát, chưa nắm được quy trình kỹ thuật canh tác và thu hoạch quế. Đầu tư vào sản xuất quế còn hạn chế, và kỹ thuật trồng và thu hoạch quế còn thô sơ. Người dân cũng không có thông tin về thị trường tiềm năng (như thị trường xuất khẩu) cũng như các tiêu chuẩn bắt buộc. Do chất lượng thu hoạch quế không đồng đều và thiếu kết nối với người mua, quế thường được sản xuất và bán tại địa phương với giá thấp và không ổn định (từ 18.000 đến 20.000 đồng/kg).
Từ năm 2019, Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà hợp tác cùng Dự án GREAT, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV và Trung tâm Khuyến nông Lào Cai để phát triển chuỗi giá trị và hệ thống thị trường cho cây quế tại xã Nậm Đét. Các hoạt động tập trung vào sản xuất và kinh doanh quế hữu cơ giá trị cao thông qua quy trình thu hái, sản xuất, kỹ thuật chế biến và kết nối tốt hơn giữa nông dân, bao gồm phụ nữ và thị trường cao cấp. Chuỗi giá trị quế phát triển bền vững sẽ mang tới cơ hội nâng quyền kinh tế cho phụ nữ địa phương. GREAT đóng vai trò đồng đầu tư tài chính giúp công ty Sơn Hà tăng cường sản xuất và kinh doanh quế để đảm bảo tác động tạo ra có hệ thống và bền vững. GREAT cũng giúp kết nối chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp/hợp tác xã tại địa phương với doanh nghiệp triển khai dự án.
Công ty Sơn Hà đã tiến hành khảo sát, đánh giá nội bộ, lựa chọn và đào tạo tập huấn cho hơn 300 hộ dân trên địa bàn xã về nguyên tắc canh tác hữu cơ từ khâu canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Hiểu được những nguy cơ từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ với sức khỏe và môi trường, người dân đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các loại thuốc này trong quá trình canh tác, phát triển sản xuất theo hướng bền vững.
Tháng 10 năm 2019, 334 hộ dân với diện tích 1.293 ha được cấp chứng nhận Hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và USDA. Với chứng nhận này, người dân được thu mua quế với giá ổn định hơn. Giá bán vỏ quế tươi tăng lên cao nhất là 28,000 VNĐ/kg. Công ty Sơn Hà cũng ký kết hợp đồng với nông dân xã Nậm Đét để thu mua quế nếu chất lượng đảm bảo. Tính đến đầu năm 2021, công ty Sơn Hà đã tiến hành thu mua 3,500 tấn quế tương đương 95 tỉ đồng tiền hàng cho bà con.
Bên cạnh việc thu mua quế, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con, công ty Sơn Hà còn tiến hành trả thưởng cho những hộ nông dân thực hành tốt việc tuân thủ nguyên tắc canh tác hữu cơ. Hơn 550 triệu đồng tiền thưởng được chuyển đến tận tay những thành viên trong chuỗi cung ứng quế hữu cơ tại xã Nậm Đét, trong đó người dân được hưởng hơn 400 triệu đồng và đầu mối thu mua được hưởng hơn 150 triệu đồng.
Trước khi có dự án, việc mua bán quế tại Nậm Đét gặp rất nhiều khó khăn. Với địa bàn xã miền núi, đường sá đi lại chưa thuận tiện với ít điểm thu mua, người dẫn phải di chuyển một quãng đường xa gần 30km từ đồi quế đến địa điểm thu gom. Điều này cũng là một trở ngại lớn đối với nông dân là phụ nữ vì họ không có nhiều thời gian cũng như không cảm thấy an toàn khi di chuyển một quãng đường xa như vậy. Nhiều hộ xuống đồi muộn, không kịp chở đi bán phải chờ sang hôm sau nên chất lượng quế tươi không còn đảm bảo, dễ bị mốc và mất nhựa.
Nhận thức được điều này, trong quá trình triển khai dự án, công ty Sơn Hà rất chú trọng phát triển mạng lưới thu mua. Đến nay, công ty đã xây dựng được 37 đầu mối thu mua lớn nhỏ đến từng thôn bản. Các đầu mối đều được tập huấn về cách thức thu mua hàng, tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu của công ty và cách phân chia giá trị hàng hóa theo từng chất lượng.
Chị Trần Thu Hà – đầu mối thu mua cho biết: “Bán hàng cho công ty Sơn Hà chúng tôi yên tâm lắm. Hàng giao xong được thanh toán ngay nên chúng tôi có vốn xoay vòng, không bị nợ đọng.”
Chị Triệu Thị Khé một thành viên tổ nhóm Nậm Đét chia sẻ thêm về cơ chế giám sát: “Đến nay gia đình tôi đã được trả thưởng 4 lần với hơn 7 triệu đồng. Bây giờ các thành viên trong nhóm chúng tôi rất tự giác. Ai cũng có ý thức trong sản xuất quế, không cần cán bộ Sơn Hà giám sát nhắc nhở mà chúng tôi tự giám sát chéo nhau vì chúng tôi biết, nếu chúng tôi không tuân thủ các nguyên tắc sản xuất hữu cơ thì chúng tôi không được trả thưởng, quế chúng tôi không được chứng nhận, và rồi sẽ không có ai mua quế chúng tôi hoặc sẽ mua giá rất rẻ như trước đây.”
Bên cạnh các khóa tập huấn về kỹ thuật canh tác quế, các chuyên gia của Công ty Sơn Hà cũng tổ chức những buổi chia sẻ về bình đẳng giới với nông dân. Đến nay, nam giới trong xã cũng tích cực chia sẻ việc nhà với vợ mình nhiều hơn.
“Phụ nữ chúng tôi đã có nhiều thời gian hơn tham gia các hoạt động xã hội. Chúng tôi cũng cảm thấy tự tin hơn khi phát biểu ý kiến trước đám đông”, chị Khé chia sẻ.
Anh Triệu A Sơn – Bí thư chi bộ thôn Bản Lắp – xã Nậm Đét hào hứng chia sẻ: “Trước kia chưa có dự án thì quế nó có giá trị không cao, thị trường bấp bênh nên lo lắm. Giờ thì bà con yên tâm sản xuất rồi, quế chúng tôi đã có thương hiệu rồi, công ty lại bao tiêu sản phẩm tận nơi cho bà con nên bà con vui lắm, sướng lắm.”
Qua gần 2 năm triển khai dự án, Sơn Hà đã xây dựng được chuỗi liên kết giá trị quế bền vững, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường cấp cao Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Ngày càng nhiều hộ trồng quế mong muốn được tham gia vào chuỗi giá trị quế do Sơn Hà Xây dựng. Đến nay, Công ty đã mở rộng dự án sang hai xã lân cận là Bản Cái và Nậm Lúc với 356 hộ và 924 ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu quế hữu cơ của Công ty trên địa bàn huyện Bắc Hà lên gần 2.200 ha.