GREAT / Tin tức / Updates

Đổi đời nhờ măng sặt

11/04/2021

Trời đã tảng sáng. Cả núi rừng xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đang còn vương màn sương bảng lảng. Những tia nắng đầu tiên chiếu xuyên qua màn sương mờ tạo ra ánh sáng kỳ ảo.

Miệng lẩm nhẩm một bài hát, cô Triệu Thị Mủi, 24 tuổi, người dân tộc Dao Đỏ rảo bước nhanh dọc bờ ao về phía ngọn núi, nơi gia đình cô trồng măng sặt. Những bông hoa dại li ti màu tím và trắng sượt trên tà áo và váy thêu của cô. Một vài bông hoa vương lại trên nếp váy thổ cẩm.

Cô bắt đầu công việc thường làm mỗi sáng: phát cỏ dại trên thửa măng. Nhìn những mầm măng mới khỏe mạnh nhú lên trên mặt đất xốp ẩm, cô bất giác mỉm cười.

Gia đình cô đã mở rộng diện tích trồng măng sặt này được hơn 1 năm nay cùng với hơn 300 hộ dân trong huyện trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La (Dự án GREAT). Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Australia.

Lứa măng nhà Mủi trồng cách đây 10 năm thì vẫn cho thu hoạch thường xuyên mỗi năm một vụ được khoảng vài trăm kg măng. Thửa măng mới trồng trên khoảng 1 hecta thì phải gần 2 năm nữa mới cho thu hoạch.

“Tham gia dự án GREAT, chúng tôi được tham gia tập huấn các kỹ thuật trồng măng,” Mủi nói. “Chúng tôi trồng măng thưa ra để đủ khoảng cách cho măng phát triển tốt hơn, đón nắng tốt hơn. Trước đây chúng tôi chỉ biết trồng theo bản năng, không áp dụng kỹ thuật gì nên cây măng phát triển chậm hơn.”
Mủi cho biết vì bệnh dịch COVID-19 nên giá thu mua măng có giảm so với mọi năm. Năm nay nhà cô bán với giá 10.000 – 11.000 đồng/kg thay vì giá 15.000-25.000 đồng/kg như những năm trước.

Ngoài trồng măng, gia đình cô còn trồng lúa ngoài bìa rừng và trồng quế sâu trong rừng. Tổng thu nhập mỗi tháng của gia đình cô cũng được trung bình khoảng 20 triệu, đủ để trang trải các chi phí sinh hoạt của 2 vợ chồng và nuôi con trai 3 tuổi.

“Cuộc sống của gia đình tôi bây giờ khá ổn về kinh tế,” Mủi cho biết thêm. “Tôi thấy rất hạnh phúc. Dự án cũng có nhiều buổi tuyên truyền về bình đẳng giới khá lý thú và bổ ích. Bình thường thì chồng tôi cũng vẫn chia sẻ việc nhà với tôi. Nhưng sau khi tham dự các buổi tuyên truyền của dự án, chồng tôi còn lưu ý giúp đỡ tôi nhiều hơn trong mọi việc. Chúng tôi sống vui vẻ hơn cả trước kia.”

Mủi nói cô chưa bao giờ thấy vai trò của phụ nữ được coi trọng như lúc này trong thôn.

“Phụ nữ chúng tôi được tham dự các buổi họp cùng nam giới, tự tin tham gia đóng góp ý kiến,” cô nói. “Trong các công việc làng xã khác thì phụ nữ cũng chủ động hơn trước kia rất nhiều.”

Theo ông Phạm Ngọc Oanh, phó trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, tính đến tháng 10 năm 2019, trước khi có dự án, tổng diện tích măng sặt ở 2 xã Nậm Xây và Nậm Xé là gần 65 hecta với 143 hộ gia đình canh tác. Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn đã tham mưu cho UBND huyện phê duyệt phương án xây dựng vùng nguyên liệu măng sặt trên diện tích 373 hecta rừng, trong đó có trồng mới 150 hecta và duy trì khai thác diện tích cũ gần 65 hecta trong giai đoạn 2019-2021.

“Cây măng sặt có thể được trồng xen cây gỗ lớn để có độ tán che và giữ ẩm tốt hơn,” ông Oanh nói. “Nhờ đó, ngoài giá trị kinh tế, cây măng sặt còn góp phần bảo vệ đất, chống sói lở trong mùa mưa. Người dân còn có thể trồng xen măng với cây dược liệu nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.”

Ông cho biết: “dự án GREAT đã nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ từ UBND với mục tiêu kép là nâng cao sinh kế của người dân, giảm tác động vào diện tích rừng tự nhiên.”

Với sự giúp đỡ của GREAT, Ban quản lý khu bảo tồn đã tổ chức cho người dân đi tham quan học tập mô hình cơ sở thu mua chế biến tại huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái và Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi tỉnh Hòa Bình. Trong số 20 người tham gia các chuyến đi có 11 phụ nữ dân tộc thiểu số.

Cây măng sặt phù hợp với thổ nhưỡng các tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Phát triển mở rộng diện tích trồng măng sặt là ưu tiên của Lào Cai nói chung và Văn Bàn nói riêng. Năm 2020, huyện Văn Bàn đã thực hiện trồng mới 118 hecta măng sặt với tổng chi phí trên 3 tỷ đồng.

Ông Oanh cũng cho biết, năm 2019, tổng sản lượng măng sặt được thu mua từ 315 hộ gia đình ở 2 xã Nậm Xây và Nậm Xé là 240 tấn măng tươi, năm 2020 là 360 tấn.

Được biết, sắp tới địa phương sẽ tổ chức đóng gói sản phẩm măng sặt hoàn chỉnh đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị ở Lào Cai và Hà Nội./.