GREAT / Tin tức / Updates

Biến măng rừng thành đặc sản Sơn La

11/04/2022

Trung Tâm Phát Triển Kinh tế Nông Thôn (CRED), với sự trợ giúp của Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT) do Chính Phủ Úc tài trợ, đã thực hiện một mô hình sản xuất măng sạch tại 3 xã của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La từ tháng 4 năm 2019.

Nông dân tại các xã Xuân Nha, Tân Xuân và Chiềng Xuân đã được tập huấn chia thành các tổ, nhóm sản xuất và khai thác bền vững măng rừng cũng như chế biến măng theo tiêu chuẩn hữu cơ. GREAT cũng hỗ trợ giúp nông dân mua sắm thiết bị chế biến, xây dựng nhà xưởng, nhà sấy, kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử.

Chị Lò Thị Nguyễn, Giám đốc Hợp Tác Xã (HTX) Măng sạch Xuân Nha trao đổi với chúng tôi rằng HTX vừa trang bị một xưởng chế biến ở bản Tưn, xã Xuân Nha. Xưởng rộng 400 mét vuông với trang thiết bị hiện đại để chế biến măng xuất sang Đài Loan.

“Khi CRED giới thiệu về dự án măng sạch năm 2019, chúng tôi đã rất háo hức,” chị nói. “Sau đó chúng tôi được kết nối với Công ty Yên Thành và thăm quy trình sản xuất măng ở Yên Bái để thực hiện mô hình tương tự ở địa phương.”

Trước đó, măng chỉ được bán dưới dạng nguyên liệu thô với giá thành thấp và chất lượng không ổn định. Ví dụ, các thành viên HTX của chị Nguyễn bán măng với giá 4.000 đồng/kg. Công ty Yên Thành cam kết trả họ 5.000-5.500 đồng/kg tùy theo chất lượng. Giá này cao hơn 20% so với giá thị trường.
Xưởng chế biến của HTX Măng sạch Xuân Nha có khả năng sơ chế được nguyên liệu hái từ 1.000 ha măng trồng. Công ty Yên Thành ký hợp đồng với HTX thu mua tất cả măng chế biến trong 20 năm tới. Thỏa thuận này giúp HTX non trẻ thêm vững bước trên con đường phát triển. Trong hợp đồng, Công ty Yên Thành cũng cam kết cung cấp 70% vốn cần thiết để mua nguyên liệu thô và chuyển giao kỹ thuật chế biến cho HTX.

Vụ mùa năm 2020, Công ty Yên Thành đã mua 30 tấn măng chế biến để xuất sang Đài Loan với tổng giá trị là 780 triệu đồng. Từ tổng số xã viên là 13, HTX mong muốn kết nạp thêm nhiều hộ gia đình trong những năm tới để có năng lực chế biến được 20.000 tấn măng mỗi năm cho Công ty Yên Thành.
Chị Lò Thị Nguyễn là một trong 615 phụ nữ ở 3 xã tham gia vào dự án.

Khi bắt đầu thành lập HTX, chị Nguyễn cần tham gia nhiều lớp tập huấn. Tuy nhiên, thời gian đó, chị không được sự ủng hộ của chồng vì chị thường xuyên phải đi từ sáng sớm đến tối muộn và chỉ có rất ít thời gian chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, với sự động viên của các cán bộ dự án và thành viên hợp tác xã, chị đã không nản lòng.

Chị thuyết phục chồng tham gia các sự kiện về bình đẳng giới mà dự án tổ chức. Kết quả có khả quan hơn. Khi chồng chị hiểu về công việc của vợ hơn, anh chủ động chia sẻ việc nhà để chị có thêm thời gian điều hành HTX. Thậm chí anh cũng giúp chị tham gia các công việc ở HTX.

Với sự hậu thuẫn của chồng, chị Nguyễn càng ngày càng tự tin để thực hiện ước mơ của mình.
Chị Cao Thị Tâm, giám đốc HTX Măng Tân Xuân 269 tại xã Tân Xuân cũng trải qua những khó khăn tương tự. Chị không chỉ thành công trong việc tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương giúp họ kiếm thêm thu nhập mà cuộc sống của chị cũng thay đổi nhờ dự án GREAT.

Chị Tâm chuyển đến sống ở địa phương này năm 2012 và mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Hàng ngày, chị chứng kiến người dân đi hái măng rừng vất vả mà chỉ bán được cho thương lái với giá thấp. Chị bắt đầu nghĩ cách làm sao để giúp đỡ họ có cuộc sống tốt hơn.

Chị chia sẻ: “Lúc đó, mỗi hộ ở đây thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng và họ phải lao động rất cực nhọc. Cuộc sống quá khó khăn. Trẻ con không đủ quần áo ấm mùa đông. Mặc dù tôi chẳng được lãi nhiều từ của hàng tạp hóa, tôi cũng vẫn cố gắng cho họ gạo và thức ăn.”

Chị Tâm dự định làm đại lý thu mua măng và bán lại ở dưới xuôi.

Năm 2019, chị thành lập HTX Măng Tân Xuân 269 với sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương vì họ thấy nên có một HTX trong vùng để thu mua sản phẩm nông nghiệp cho bà con.

Ban đầu chị Tâm cũng thấy khó khăn trong việc chế biến măng do chị chưa biết kỹ thuật. Chị cũng không tìm được mối tiêu thụ. Sau đó, may mắn là chị đã tìm được một người bạn chuyên bán măng và mọi việc bắt đầu chạy suôn sẻ.

HTX của chị Tâm bắt đầu tham gia dự án của GREAT vào năm 2020. HTX được hỗ trợ trang bị thiết bi và máy móc chế biến như lò sấy, nồi luộc măng cỡ lớn, máy vắt li tâm, chậu rửa măng và bồn đóng gói sản phẩm.

Đồng thời, các xã viên cũng được tập huấn những kỹ thuật chế biến cơ bản như an toàn vệ sinh thực phẩm, lập kế hoạch sản xuất, quảng bá và bán hàng trực tuyến. Họ được học về các nền tảng số như Shopee và Voso, cũng như cách quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội như Zalo và Facebook. GREAT cũng giúp phụ nữ địa phương tự tin hơn và góp tiếng nói trong công việc gia đình và cộng đồng.
Doanh số của HTX đã tăng đáng kể, theo đó là thu nhập của các xã viên. Trong năm đầu tiên, doanh thu của HTX vào khoảng 900 triệu đồng/năm. Năm 2021, con số này là 3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm 30 đến 35%.

“HTX ban đầu chỉ có 12 thành viên, nay đã tập hợp 70 thành viên, trong đó có hơn 40 phụ nữ chủ yếu là dân tộc Thái, Mông và Mường,” chị Tâm nói.

Anh Vì Văn Giới, phó chủ tịch UBND xã Xuân Nha đánh giá cao hỗ trợ của GREAT và chủ trương của chính quyền địa phương trong việc giúp người dân sản xuất măng.

Anh nói: “Được trang bị đủ kiến thức và trang thiết bị, người nông dân, đặc biệt là phụ nữ đã có thêm tự tin vào đường hướng phát triển của HTX. Xã Xuân Nha giờ là một điển hình trong phát triển kinh tế nhanh và bình đẳng giới.”