Bản Bướt thay da đổi thịt nhờ giống lúa địa phương
06/07/2020
Bản Bướt là bản vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc xã Chiềng Yên huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là nơi chung sống của cộng đồng các dân tộc Thái, Mường, và Dao.
Hơn 90% sinh kế của dân bản phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng nông sản làm ra không có thị trường. Nhiều năm nay, để đảm bảo sinh kế cho gia đình, người dân bản Bướt phải đi làm thuê ở thành phố. Phụ nữ có ba gánh nặng là đảm nhiệm việc nhà, chăm sóc gia đình và làm việc đồng áng. Tham gia sản xuất gạo đặc sản sẽ tạo cơ hội cho phụ nữ và các hộ gia đình của họ tăng thu nhập.
Năm 2019, Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch” (GREAT) hợp tác cùng Trung tâm nghiên cứu Nông lâm miền núi – ADC và Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc, Doanh nghiệp xã hội TABA để đồng triển khai dự án phát triển chuỗi giá trị gạo tẻ râu tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Dự án tập trung vào việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ bằng cách tăng cường sự tham gia và hiệu quả của họ trong việc sản xuất và kinh doanh gạo đặc sản.
Dự án nhằm mục tiêu tạo ra cơ hội cải thiện sinh kế cho 54 hộ dân ở bản Bướt và 333 hộ dân ở bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên, Vân Hồ, Song Khủa huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Gạo Tẻ râu là gạo đặc sản của bà con miền núi Tây Bắc, có vị thơm ngon đặc trưng và có tiềm năng lớn từ thị trường tiêu dùng chất lượng cao tại các thành phố lớn. Dự án đã tổ chức các khoá đào tạo kỹ thuật sản xuất lúa Tẻ râu theo tiêu chuẩn VietGAP cho 333 hộ dân (trong đó có 453 phụ nữ, hầu hết là người dân tộc thiểu số). Kết quả là 10ha lúa Tẻ râu của 100 hộ dân tham gia dự án tại huyện Vân Hồ đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Dự án cũng tổ chức đào tạo 16 buổi về nông nghiệp hữu cơ và hỗ trợ nông dân vận hành mô hình lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS (Giám sát có sự tham gia) của Việt Nam.
Để đảm bảo phát triển bền vững vùng lúa bản địa, các hợp tác xã địa phương như Hợp tác xã Gạo Song Khủa và Hợp tác xã Nông Nghiệp và Du Lịch Đồng Rừng Vân Hồ đã được tham gia các khoá đào tạo về kinh doanh để có thể hỗ trợ nông dân địa phương. Các hợp tác xã cũng được kết nối với nhà đầu tư là Doanh nghiệp Xã hội TABA vừa đồng hành tư vấn chiến lược kinh doanh, vừa tham gia đồng đầu tư và phân phối sản phẩm gạo Tẻ râu tới thị trường khách tiêu dùng trong nước.
Người dân bản Bướt đã tích cực nắm bắt cơ hội mới do dự án mang lại. Đến nay những tín hiệu vui đã đến khi lúa Tẻ râu của dân bản được bán với giá 15.000 đồng/1kg, cao gấp đôi giá lúa thông thường. Trung bình, 1 hộ gia đình sẽ thu được 65.500.000 đồng tiền từ bán thóc Tẻ râu mỗi năm.
Hợp tác xã gạo Song Khủa đã có thể tự đóng gói bao bì sản phẩm, bán gạo ra thị trường với giá 45.000 đồng/kg gạo thành phẩm. Chị Ngần Thị Nga, một nông dân địa phương, phấn khởi khoe: “Hôm nay mình bán thóc Tẻ râu. Bình thường nếu trồng lúa thông thường, nhà mình thu được 20 bao thóc, trồng lúa Tẻ râu mình chỉ thu được 15 bao thóc nhưng lại bán được giá cao gấp đôi giá lúa phổ biến hơn. Năm sau mình lại trồng lúa Tẻ râu để bán”.
Với sự hỗ trợ của Dự án GREAT, gạo Tẻ râu đã được tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, và Thanh Hoá. Hợp tác xã Gạo Song Khủa phân phối được hơn 20 tấn gạo Tẻ râu với bao bì và nhãn mác mới. Doanh nghiệp xã hội TABA đã thu mua 15 tấn gạo Tẻ râu trong vụ mùa đầu tiên tại bản Bướt và đã phân phối gạo tại hơn 200 cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội. Người dân và doanh nghiệp đang tiếp tục kế hoạch mở rộng diện tích trồng gạo Tẻ râu.
Dự án còn giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã ở các xã vùng cao tìm kiếm được cơ hội phát triển, hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp bên ngoài cộng đồng, mở ra cơ hội đi xa hơn cho nông sản bản địa.
Ông Thái Bá Sinh, trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vân Hồ cho biết: “Chúng tôi tin tưởng khi có các mối liên kết và quan hệ chặt chẽ về quyền lợi kinh tế, cơ hội phát triển kinh tế nông thôn miền núi sẽ được mở ra, cho bản Bướt, xã Song Khủa, Vân Hồ, Chiềng Yên và nhiều địa phương khác ở vùng núi Việt Nam”.