Thay đổi tư duy để chuyển đổi số
18/02/2025
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà là một sự thay đổi tất yếu trong thời đại công nghệ phát triển không ngừng. Tuy nhiên, hành trình này không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ hay xây dựng sự hiện diện trực tuyến. Đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh, chuyển đổi số thường được hiểu hẹp là việc số hóa dữ liệu, sử dụng phần mềm quản lý hay bán hàng trên mạng. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Để thực sự thành công, chuyển đổi số cần được nhìn nhận từ góc độ chiến lược – nơi tư duy về mô hình kinh doanh, khách hàng và giá trị được đặt lên hàng đầu.
Đối với Dự án GREAT, điều này có nghĩa là sự thay đổi hành vi không phải chỉ của các nữ doanh nhân dân tộc thiểu số, mà còn của các bên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số. Các nhà cung cấp dịch vụ số đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, thông qua việc cung cấp các giải pháp số dễ tiếp cận và phù hợp với từng trường hợp. Các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục cũng tham gia vào quá trình này bằng cách xây dựng văn hóa học tập không ngừng và tăng cường khả năng thích ứng.
Cốt lõi của chuyển đổi số là thay đổi tư duy – không coi công nghệ là thách thức mà là xem nó như một công cụ để phát triển và hòa nhập. Cách tiếp nhận này đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi, bao gồm cả những người thiếu chuyên môn kỹ thuật hoặc nguồn lực về công nghệ, mà ngược lại, tạo điều kiện cho tất cả các bên liên quan tham gia một cách hiệu quả vào nền kinh tế số.
Chuyển đổi số không phải là đánh đổi
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn còn giữ lối tư duy truyền thống, trong đó “bán được hàng” là ưu tiên hàng đầu, còn công nghệ thì bị xem nhẹ, “có cũng được”, thậm chí là “xa xỉ”. Tâm lý này xuất phát từ lo ngại rằng chuyển đổi số đồng nghĩa với việc đánh đổi quy trình quen thuộc, phát sinh thêm chí và thậm chí còn mất đi khách hàng truyền thống – những người vẫn quen với cách thức giao dịch cũ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường biến động nhanh chóng như ngày nay, những tư duy mang tính phòng thủ như vậy có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội và mất đi cơ hội cạnh tranh. Giờ đây, khách hàng không còn bị giới hạn về không gian địa lý, họ ưa chuộng sự tiện lợi, trải nghiệm đa kênh và thường bắt đầu hành trình mua sắm của mình trên các nền tảng số.
Thay đổi tư duy từ phòng thủ sang chủ động luôn là yếu tố quyết định trong hành trình chuyển đổi số. Để đạt được thành công, doanh nghiệp cần nhìn nhận số hóa không phải là sự đánh đổi, mà là cơ hội để tạo ra giá trị mới và mở rộng thị trường. Hợp tác xã Mường Hoa ở Lào Cai là một ví dụ điển hình. Mặc dù ban đầu còn do dự, nhưng họ đã nhận ra rằng các công cụ kỹ thuật số có thể giúp sản phẩm địa phương của họ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Chỉ đơn giản bằng cách chụp ảnh sản phẩm và chia sẻ chúng trên mạng xã hội, họ đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý và nhận được các đơn đặt hàng ban đầu mà không tốn bất kỳ chi phí quảng cáo nào. Thành công này đã thúc đẩy họ sử dụng phần mềm quản lý để ghi nhận doanh thu và tham gia các hội chợ triển lãm, qua đó giúp nâng cao nhận diện thương hiệu của mình.
Một ví dụ khác là Hợp tác xã Tân Xuân 269 ở Sơn La. Ban đầu, họ cũng tránh các dự án chuyển đổi số vì tin rằng chúng không phù hợp với mô hình sản xuất của họ. Tuy nhiên, chỉ sau một bài đăng trên Zalo thành công ngoài mong đợi, họ đã thay đổi quan điểm: từ sợ hãi sự thay đổi sang chủ động khai thác cơ hội. Câu chuyện của hai hợp tác xã minh chứng cho việc khi doanh nghiệp từ bỏ tư duy phòng thủ và sẵn sàng thử nghiệm những phương pháp mới, họ không chỉ vượt qua thách thức mà còn nắm bắt được những cơ hội lớn lao.
Xây dựng niềm tin và sự kết nối
Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ chỉ đóng vai trò là một công cụ; mục tiêu cuối cùng là làm sao tạo dựng được niềm tin và kết nối với khách hàng, dựa trên việc thấu hiểu giá trị cốt lõi của mình. Hợp tác xã Đặc sản Tây Bắc ban đầu đã gặp khó khăn với một lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội nhưng không đem lại hiệu quả như mong đợi. Sau đó, thay vì tập trung vào những cách tiếp cận truyền thống, họ chuyển sang kể những câu chuyện chân thực về sản phẩm, từ nguồn gốc, quy trình sản xuất đến những giá trị sản phẩm. Điều này đã giúp họ tăng doanh thu và xây dựng được mối quan hệ bền chặt hơn với khách hàng.
Để kết nối với khách hàng, không nhất thiết phải thực hiện các chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Ví dụ như Hợp tác xã Cơm lam Giàng Dự, họ đã tạo dựng sự gần gũi với khách hàng thông qua những câu chuyện giản dị, chân thành về các nguyên liệu và cách chế biến món ăn truyền thống của họ trên mạng xã hội. Việc minh bạch trong giao tiếp và tạo ra những câu chuyện gắn liền với sản phẩm đã giúp Cơm lam Giàng Dự thu hút được một lượng khách hàng trung thành và tăng trưởng ổn định.
Phát huy các giá trị văn hóa
Một khía cạnh quan trọng khác trong tư duy chuyển đổi số là khả năng khai thác các giá trị văn hóa và biến chúng thành giá trị kinh tế. Tổ hợp tác Bản Liền ở Lào Cai đã khéo léo áp dụng chiến lược “kể chuyện để kết nối” thông qua việc chụp lại những hình ảnh đẹp về đời sống địa phương và chia sẻ trên các nền tảng số. Những câu chuyện thú vị về cuộc sống và văn hóa không chỉ thu hút sự quan tâm của khách hàng mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới.
Tư duy cá nhân hóa và sự linh hoạt
Mỗi doanh nghiệp sẽ có một con đường chuyển đổi số riêng và không có một công thức chung nào cho tất cả. Mỗi doanh nghiệp cần cá nhân hóa hành trình của mình dựa trên giá trị cốt lõi và mục tiêu riêng. Quá trình phát triển của Hợp tác xã Mường Hoa, từ việc quảng bá sản phẩm trên mạng đến tối ưu quản lý tài chính, khác biệt đáng kể so với hướng đi của Tổ hợp tác Bản Liền, tập trung vào du lịch văn hóa. Các ví dụ trên đều cho thấy rằng việc điều chỉnh chiến lược phù hợp với nhu cầu và năng lực nội tại là yếu tố then chốt để thành công.
Cuối cùng, chuyển đổi số đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng thích ứng. Các doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, từ khủng hoảng kinh tế đến những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Công nghệ chỉ đơn thuần là công cụ; điều quan trọng là tư duy đổi mới, giúp các doanh nghiệp thay đổi cách vận hành, tối ưu quy trình và xây dựng mối quan hệ gắn bó hơn với khách hàng.
Những câu chuyện từ Cơm lam Giàng Dự, Hợp tác xã Mường Hoa, Hợp tác xã Tân Xuân 269, hay Tổ hợp tác Bản Liền đều cho thấy một điểm chung: thay đổi tư duy là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất trong hành trình chuyển đổi số. Đó là hành trình mà mọi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều có thể bắt đầu – chỉ cần có sự chủ động, tự tin và sẵn sàng hành động từ những bước nhỏ nhất.
Những ví dụ này cho thấy những giá trị quan trọng của tiểu dự án Tăng cường hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm (IDAP) được hỗ trợ bởi Dự án GREAT do Chính phủ Ô-xtrây-li-a tài trợ. Thông qua hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, trường đại học và doanh nghiệp, IDAP giúp phụ nữ dân tộc thiểu số và người khuyết tật được trang bị các kỹ năng số cần thiết để họ tham gia toàn diện vào nền kinh tế số. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao sự tự tin, khả năng ra quyết định, mà còn giúp gia tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho cộng đồng. Hơn thế nữa, đây là bước đệm để họ tự tin thích ứng với những biến động của thị trường và những thách thức khác.
Bài viết này tham khảo thông tin từ: https://www.kisstartup.com/vi/tin-tuc/thay-doi-tu-duy-de-chuyen-doi-so