Kết nối nông dân trồng măng với nhà chế biến và xuất khẩu vùng Tây Bắc Việt Nam
06/07/2022
Cuộc sống của dân tộc thiểu số nhiều xã của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã thay đổi nhiều nhờ dự án phát triển vùng nguyên liệu và chế biến măng sạch do Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED) với sự hỗ trợ của Dự án GREAT do chính phủ Úc tài trợ.
Dự án nhằm mục tiêu nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển và củng cố chuỗi giá trị măng sạch, bằng cách kết nối người nông dân với doanh nghiệp và hơn thế nữa.
Chị Lò Thị Nguyễn là Giám đốc Hợp tác xã Măng Sạch Xuân Nha tại bản Tưn, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ và hiện chị đang điều hành một xưởng chế biến măng phục vụ sản xuất măng muối xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.
Xã Xuân Nha là nơi có vùng nguyên liệu măng từ rừng khá lớn, măng từ vùng này vốn được nhiều người biết đến. Nghề măng là công việc có từ rất lâu của người dân vùng này, tuy nhiên chỉ trong quy mô nhỏ. Sản phẩm măng bán cho các thương lái từ tỉnh ngoài đến thu gom nhỏ tại địa phương rồi bán lại cho các nhà máy chế biến. Trên 94,3 % số hộ gia đình trong vùng có thu nhập từ sinh kế thu hái măng, tuy nhiên giá măng thường không ổn định, và thu nhập của người dân từ măng chưa cao.
GREAT và CRED đã hỗ trợ kết nối giữa Hợp tác xã Măng Xuân Nha với Công ty Măng Yên Thành tại Yên Bái, với kết quả rất khả quan.
“Tháng 10 năm 2019, CRED đã kết nối chúng tôi với công ty Yên Thành Yên Bái. Chúng tôi được đến công ty thăm quan, trực tiếp tận mắt nhìn thấy và công nhân làm việc cho HTX Hồng Ca huyện Trấn Yên nói về hiệu quả cây măng Bát độ,” chị Nguyễn nói.
Công ty Măng Yên Thành chế biến măng tre Bát độ và xuất khẩu đi thị trường Đài Loan và Nhật Bản. Nhu cầu nguyên liệu măng của công ty hàng năm khoảng trên 20.000 tấn.
Tháng 7 năm 2020, Công ty Yên Thành chính thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Hợp tác xã Măng Xuân Nha với thời hạn 20 năm. Công ty cam kết đầu tư 70% vốn mua nguyên liệu và chuyển giao công nghệ chế biến măng muối xuất khẩu Đài Loan cho Hợp tác xã. Vụ măng năm 2020, Hợp tác xã Măng Xuân Nha đã xuất khẩu 7 tấn măng muối đem lại lợi nhuận 35 triệu đồng cho HTX sau khi đã trừ các chi phí sản xuất và nhân công.
Chị Nguyễn chia sẻ: “Măc dù tuổi đời còn rất trẻ, năm nay tròn 30 tuổi, nhưng khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất nơi mình sinh sống đã ấp ủ từ lâu đến nay đã thành hiện thực khi tôi gặp được dự án.”
Vụ xuân năm 2020, CRED đã hỗ trợ cho 209 hộ gia đình trồng 100ha tre măng Bát độ trên diện tích đất trồng lúa ngô kém hiệu quả. Từ diện tích trồng măng này sẽ là nguồn cung cấp giống cho diện tích mở rộng măng trồng ở vụ sau để cung cấp nguyên liệu bền vững cho công ty Yên Thành. Phải 3 năm sau mới bắt đầu thu hoạch được lứa măng này, tiềm năng tăng thu nhập cho các hộ từ trồng măng Bát độ là rất khả quan do nhu cầu xuất khẩu lớn, có các dịch vụ hỗ trợ cũng như các hoạt động của dự án giúp phát triển chuỗi giá trị măng tre.