Những ‘cái bắt tay’ giúp cải thiện cuộc sống cho bà con Sơn La
11/04/2022
Đại sứ Australia tại Việt Nam, bà Robyn Mudie rất vui mừng khi gặp một số phụ nữ dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ chương trình “Thúc đẩy Bình đẳng Giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch” (hay còn gọi là GREAT) do chính phủ Australia tài trợ tại tỉnh Sơn La.
Bà đã tận mắt chứng kiến phụ nữ địa phương được tiếp cận thị trường nông nghiệp giá trị cao và du lịch cộng đồng. Họ đang cải thiện được thu nhập, tính thích ứng và sự tự tin trong cuộc sống.
“Chúng ta đã cùng nhau đạt được những kết quả khả quan mặc dù dịch bệnh có làm gián đoạn ngành nông nghiệp và du lịch,” bà nhận xét. “Hơn 6.500 phụ nữ Sơn La đã được chính phủ Úc hỗ trợ tăng thu nhập. Úc cam kết đồng hành cùng chính quyền Sơn La và các doanh nghiệp để củng cố ngành nông nghiệp và du lịch, tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ dân tộc.”
Mô hình sản xuất măng sạch
Tháng 4 năm 2019, GREAT đã triển khai một dự án măng sạch ở các xã Xuân Nha, Tân Xuân và Chiềng Xuân tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
GREAT đã phối hợp với tổ chức phi chính phủ CRED (Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn) thực hiện dự án trị giá 11 tỷ đồng (khoảng 480.000 đô la Mỹ). Đến nay, 3.000 người dân đã được hưởng lợi từ dự án, hầu hết đều là người dân tộc thiểu số.
Nông dân địa phương được tập huấn hình thành các tổ đội sản xuất và thu hoạch và sơ chế măng tự nhiên bền vững theo chuẩn hữu cơ. GREAT cũng giúp trang bị dụng cụ chế biến, nhà xưởng, nhà sấy năng lượng mặt trời, xây dựng thương hiệu sản phẩm và giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Chị Lò Thị Nguyễn, Giám đốc của Hợp Tác Xã (HTX) Măng sạch Xuân Nha ở bản Tưn, xã Xuân Nha, là một trong 615 phụ nữ xã tham gia vào dự án.
Chị cho biết: “Khi CRED giới thiệu dự án, chúng tôi đã rất hào hứng. Sau đó, chúng tôi được gặp gỡ Công ty Yên Thành và tham quan mô hình chế biến măng của họ ở Yên Bái. Chúng tôi đã trao đổi với họ khả năng lắp đặt một dây chuyền chế biến tương tự ở địa phương mình.”
Trước đây, mọi người bán nguyên liệu măng thô với giá không ổn định và HTX của chị Nguyễn cũng chỉ bán được với giá 4.000 đồng/kg. Trong khuôn khổ dự án, Công ty Yên Thành cam kết thu mua tất cả măng của nông dân với giá cao hơn thị trường 20%, tức là khoảng 5.000 đến 5.500 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng.
Xưởng chế biến của HTX Xuân Nha có khả năng sơ chế nguyên liệu từ 1.000 ha rừng trồng. Công ty Yên Thành cũng ký thỏa thuận với HTX thu mua măng chế biến trong 20 năm. Thỏa thuận này giúp HTX tự tin hơn trong đường hướng phát triển. Công ty Yên Thành cũng cam kết cung cấp 70% lượng vốn cần thiết để mua nguyên liệu thô và chuyển giao công nghệ kỹ thuật chế biến cho HTX.
Chị Cao Thị Tâm, Giám đốc HTX Măng Tân Xuân 269 ở xã Tân Xuân cũng có những trải nghiệm tương tự. Chị thành lập HTX vào năm 2019 nhằm thu mua sản phẩm nông nghiệp từ nông dân địa phương.
Xã viên HTX cũng được tập huấn các kỹ thuật chế biến cơ bản, vệ sinh an toàn thực phẩm và tiếp thị cũng như bán hàng trực tuyến. Họ đã biết nhiều hơn về tiếp thị số và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Voso, Zalo và Facebook.
Với sự trợ giúp của GREAT, doanh số bán ra của HTX đã tăng và thu nhập cũng được cải thiện.
Theo chị Tâm, doanh thu năm đầu tiên của HTX là 900 triệu đồng. Năm 2021, con số này là 3 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm 30 đến 35%.
“Nhờ có dự án này, chúng tôi được hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính. Chúng tôi còn được trang bị kiến thức cần thiết để đầu tư vào quy trình sản xuất hiện đại hơn,” chị cho biết. “Dự án đã giúp phụ nữ dân tộc thêm tự tin và góp tiếng nói có trọng lượng hơn trong công việc gia đình và cộng đồng.”
Cây gai kết nối các thành viên gia đình
Đã từ lâu tại Việt Nam cây gai đã được sử dụng làm nguyên liệu làm bánh gai. Tuy nhiên, loại thực vật này cũng được các nước khác sử dụng như một loại sợi thiên nhiên bền chắc nhất trong ngành công nghiệp dệt. Cây gai đặc tính dễ trồng, chi phí rẻ mà lợi nhuận kinh tế cao hơn các loại cây lương thực truyền thống như lúa và ngô.
Với sự trợ giúp của dự án GREAT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Sơn La đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây gai. Hàng trăm nông dân, chủ yếu là phụ nữ đã tham gia tập huấn. Dự án giúp bà con xây dựng những vườn ươm cây giống ở các xã Liên Hòa, Song Khủa, Xuân Nha và Quy Hướng, với khả năng cung cấp giống cho 200 ha gai xanh.
Công ty Vinafi, đối tác của GREAT, thu mua tất cả gai với giá thỏa thuận trước với bà con.
Từ năm 2019 đến nay, GREAT đã giúp hình thành 13 tổ hợp tác sản xuất gai và tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân.
Tính đến này, hơn 930 người từ nhiều nhóm dân tộc thiểu số đã tham gia vào dự án, khoảng 50 % trong số đó là phụ nữ.
Khi dự án bắt đầu năm 2019, toàn tỉnh chỉ có 70 ha gai xanh ở 2 huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Đến tháng 12 năm 2021, diện tích này đã tăng lên hơn 1.000 ha và mở rộng ra 4 huyện khác.
Trước đây, vì điều kiện kinh tế mà nhiều người phải đi làm thuê ở nhưng tỉnh khác, thường là những khu công nghiệp trong miền Nam. Nhiều cặp vợ chồng phải gửi con cho ông bà ở nhà để đi làm xa.
Chị Đinh Thị Thuận và chồng đã đi lao động ở khu công nghiệp Tân Uyên tỉnh Bình Dương từ năm 2015 đến năm 2019. Lương họ ổn định nhưng mức sống cao vì họ phải trả cả tiền thuê nhà, điện, nước. Từ khi tham gia dự án GREAT, chị Thuận có thu nhập cao hơn và chị cũng chi tiêu ít hơn vì mức sống ở quê thấp. Giờ chị có thời gian chăm sóc các con thay vì gửi mẹ chồng nay đã 60 tuổi khi đi làm xa.
Những vườn rau chất lượng cao
Các huyện Mộc Châu và Vân Hồ tỉnh Sơn La có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ và diện tích đất nhiều cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, nông dân cũng đối mặt nhiều thách thức như địa hình đồi dốc và lượng mưa lớn.
Dự án GREAT cùng đối tác là Viện Nghiên Cứu Rau Quả (FAVRI) đã áp dụng công nghệ internet để phát triển nông nghiệp thông minh tại địa phương.
Kết quả là 10 HTX (7 HTX trồng rau và 3 HTX sản xuất hoa) đã được chọn tham gia chương trình. Tổng diện tích đất sử dụng công nghệ internet là 20,4 ha. Ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp nông dân dễ dàng điều khiển vườn của mình từ bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Ví dụ, hệ thống tưới tự động đã giúp tiết kiệm nước từ 20 đến 40%, giảm công lao động cho tưới tiêu và bón phân là khoảng 25 đến 35% cho 1 ha. Do vậy, thu nhập hộ gia đình cũng tăng lên từ 10 đến 30%.
Nhờ dự án GREAT, anh Kim Văn Dũng, Giám đốc HTX Dũng Tiến, đã có thể xây dựng một nhà kính trồng rau và dâu tây để bảo vệ cây trồng khỏi sương muối và côn trùng.
Anh Dũng nói: “Ngày trước có lần tôi trồng cà chua, cành lá lên xanh tốt lắm. Tôi đã nghĩ vụ này sẽ bội thu đây. Nhưng rồi đến sát ngày thu hoạch có sương muối và mưa to, cà chua bị dập nát hết. Từ khi làm được nhà kính, tôi đã thấy yên tâm hơn vì không lo hoa màu bị ảnh hưởng bởi thời tiết nữa.”
Vợ anh, chị Nguyễn Thị Tươi, cho biết hệ thống tưới nước và phân điều khiển bằng app điện thoại đã giảm công sức lao động đáng kể cho 4.000 mét vuông vườn rau. App điện thoại giúp diều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ không khí.
Trước đây, chị Tươi cần 2 người giúp chăm sóc vườn rau hàng ngày.
Thành lập năm 2016 với 7 thành viên sáng lập, HTX hiện giờ có 18 hộ thành viên và tổng cộng diện tích trồng trọt là 10ha.
Mỗi năm HTX sản xuất 400 tấn bắp cải, 150 tấn cà chua, 100 tấn đậu và 80 tấn bí xanh và bí đỏ cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định. Thu nhập từ trồng rau là khoảng 400 triệu đồng/ha cho các thành viên HTX.
Thúc đẩy tiềm năng du lịch
Trong những năm gần đây, Dự án GREAT đã giúp bà con huyện Mộc Châu phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao năng lực phụ nữ và tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Chị Sùng Y Hoa, một phụ nữ dân tộc Mông ở bản Tà Số, là chủ homestay Hoa Phong. Chị cho biết: “Dự án GREAT đã giúp gia đình tiếp cận nguồn vốn và giúp chúng tôi đủ tự tin để đầu tư 200 triệu đồng xây dựng homestay.”
Hơn nữa, chị Hoa còn được học các kỹ năng làm du lịch như nấu nướng, trang trí nhà cửa. Chị cũng được học hỏi từ các mô hình du lịch cộng đồng thành công ở Lào Cai và Lai Châu.
Lúc đầu chị Hoa rất lo lắng vì không có kinh nghiệm làm du lịch nhưng sau khi đón đoàn khách đầu tiên, chị bắt đầu tự tin hơn nhiều. Nhờ có chương trình này, chị đã biết nhiều kiến thức và các kỹ năng để đủ tự tin nói chuyện với khách về văn hóa và cảnh quan địa phương.
Homestay Hoa Phong nằm trên đồi ở độ cao 1.100m so với mực nước biển đã trở thành một trong những nơi khách ưa thích nhất trong bản nhờ có vườn mận xanh mướt lãng mạn xung quanh.
Anh Mùa A Hạng, chồng chị Hoa nói: “Trung bình tôi có 10 triệu mỗi tháng nếu đón 2 nhóm khách. Thu nhập trung bình mỗi năm của gia đình đã lên đến 120 triệu, 20% trong số đó là từ nông nghiệp. Khi du lịch phục hồi, có thể chúng tôi đón khách hàng tuần, thu nhập sẽ cao hơn nữa.”
Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Mộc Châu cho biết: “Phụ nữ trong bản đã thay đổi rất nhiều sau những lớp tập huấn của GREAT. Họ nhận thức tốt hơn về bình đẳng giới. Họ tự tin hơn và chủ động hơn trong việc quản lý thu nhập gia đình. Trước đây, khi khách đến nhà, người phụ nữ chỉ ở trong bếp. Ngày nay, họ đón khách, biểu diễn các văn nghệ, nấu ăn, dọn dẹp và tiếp chuyện khách.”
Theo anh Lê Anh Tuấn, Cố vấn Kinh Doanh của GREAT, dự án GREAT đang giúp cải thiện cuộc sống của nông dân Sơn La vì các hoạt động được điều chỉnh liên tục để phù hợp với tình hình địa phương.
Anh nhận xét: “Phụ nữ đã trở nên tự tin hơn trong việc chuyển đổi trồng lúa và ngô thu nhập thấp để chuyển sang trồng những loại cây có giá trị cao hơn. Sản xuất hiệu quả đã dẫn đến việc kết nối chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và người nông dân. Sự kết nối này đã được củng cố bởi những hợp đồng mua bán cam kết bao tiêu sản phẩm.”
GREAT đã giúp tỉnh Sơn La phát triển những sản phẩm chủ đạo thông qua phát triển chuỗi giá trị. Các HTX đang chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang định hướng thị trường rõ ràng hơn. Điều này sẽ giúp tình phát triển ngành nông nghiệp và giảm nghèo khi ngày càng nhiều hộ gia đình làm ăn khấm khá hơn./.