Aus4EqualityCập nhậtTin tứcNông nghiệp mới giúp nâng quyền cho phụ nữ Văn Bàn

Nông nghiệp mới giúp nâng quyền cho phụ nữ Văn Bàn

Dự án thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT) do chính phủ Úc tài trợ đã được thực hiện tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai trong hai năm. Đóng góp của Dự án vào sự phát triển kinh tế của tỉnh ngày càng rõ nét, trong đó có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Được thực hiện với sự hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam trong 5 năm (2017 – 2022), GREAT hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và tổ chức phi chính phủ để tạo cơ hội cho phụ nữ trong ngành nông nghiệp và du lịch. Các ngành này đã chứng tỏ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và có tiềm năng tăng cường sự tham gia kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số. Dự án hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

GREAT tìm cách tác động đến sự thay đổi thông qua nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy hệ thống thị trường bao trùm. Cách tiếp cận của Dự án dựa trên sự hiểu biết về bối cảnh, linh hoạt và điều chỉnh các hoạt động khi cần thiết và thúc đẩy sự đổi mới để mở ra các cơ hội kinh doanh và tác động đến sự thay đổi xã hội. Nông nghiệp là một ngành đa dạng và điều này được phản ánh qua danh mục các dự án của GREAT trong ngành này. Sự đa dạng đó giúp GREAT có thể làm việc với nhiều đối tác và cộng đồng.

Nông nghiệp đóng vai trò kinh tế và là nguồn sinh kế quan trọng đối với dân cư chủ yếu đến từ khu vực nông thôn ở huyện Văn Bàn. Trên toàn tỉnh Lào Cai, ngành này đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, với tiềm năng tăng 16% đóng góp vào GDP khu vực. Đây là một khu vực mà phụ nữ đóng vai trò quan trọng, từ khâu trồng đến thu hoạch.

Một trọng tâm của Dự án GREAT là hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đa dạng hóa hoặc chuyển từ các cây trồng chủ lực như ngô và sắn sang các cây trồng có giá trị cao hơn. Các loại cây trồng chủ lực thường có giá trị thấp trong khi các sản phẩm có giá trị cao hơn cũng có thể phát triển tốt trong vùng, ví dụ như rau, quế, benzoin (hay nhựa bồ đề – một loại nguyên liệu được sử dụng trong sản xuất nước hoa) hoặc gai xanh, giúp các hộ nông dân tăng nguồn thu nhập, đảm bảo nguồn tài chính tốt hơn.

Dưới đây là tổng quan về sự đa dạng trong các hoạt động của GREAT tại Văn Bàn trong lĩnh vực nông nghiệp và tác động của các hoạt động này đối với cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ.

Măng sặt

Một ví dụ về hoạt động của Dự án GREAT ở Văn Bàn là hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị măng sặt. GREAT đã giới thiệu các kỹ thuật trồng và thu hoạch cập nhật và bền vững hơn cho các hộ gia đình đang thu hái măng để đảm bảo sản lượng trong những năm tới.

Chị Bàn Thị Mấy, người dân địa phương chia sẻ bây giờ chị đã biết cách trồng và chăm sóc măng sặt cho các vụ sau chứ không chỉ thu hoạch và khai thác triệt để như mọi năm.

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn đang hợp tác với GREAT để triển khai dự án này và đã kết nối với Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Sơn để thu mua 70 tấn măng đã tách vỏ của người dân địa phương với giá 27.000 đồng/kg. Hợp tác xã dự kiến sẽ thu mua 170 tấn măng tách vỏ theo kế hoạch dự án vào năm 2021, giúp người nông dân thu về 4,8 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Hùng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy Sơn cho biết, Hợp tác xã thu mua măng sặt tại địa phương, thuê từ 30 đến 40 phụ nữ để sơ chế măng rồi bán măng cho các nhà máy chế biến.

Được sự hỗ trợ của GREAT, Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng một nhà sấy năng lượng mặt trời để sấy măng, dược liệu và các loại nông sản khác.

Ông Hùng cùng các thành viên Hợp tác xã tại nhà sấy năng lượng mặt trời

“Cuộc sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn. Nhờ có Dự án GREAT, chúng tôi kiếm được nhiều tiền hơn thông qua việc trồng và bán măng,” ông Hùng chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Tiến, người dân địa phương, làm việc tại Hợp tác xã Thủy Sơn cho biết chị kiếm được 250.000 đồng một ngày.

“Hết mùa măng, chúng tôi quay về làm ruộng. Dự án do GREAT hỗ trợ đã giúp chúng tôi có thêm thu nhập trong mùa măng,” chị nói.

Benzoin

Benzoin (hay còn gọi là nhựa bồ đề) là thành phần chính trong nước hoa và tinh dầu. Nó là một loại nhựa lấy từ cây bồ đề (Styrax tonkinensis), một loại cây được trồng và thu hoạch từ lâu ở Văn Bàn và các địa phương khác để lấy gỗ.

Nhựa bồ đề

GREAT đang hợp tác với Công ty Nông lâm nghiệp Đức Phú để triển khai dự án giúp khai thác bền vững benzoin tại Văn Bàn. GREAT và Đức Phú đã và đang thực hiện các khóa tập huấn cho người dân về cách chăm sóc cây bồ đề, lấy nhựa và đảm bảo chất lượng nhựa. Sau đó benzoin sẽ được bán trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chị Triệu Thị Liều, người dân tộc Dao tham gia dự án chia sẻ rằng nhiều năm nay gia đình chị cùng với nhiều gia đình ở địa phương chặt cây bồ đề để lấy gỗ bán, nhưng giờ đây họ nhận ra rằng sản xuất benzoin bền vững hơn vì nhựa có thể được khai thác qua nhiều mùa. Khai thác nhựa cũng sinh lợi nhiều hơn vì nhựa có giá cao hơn gỗ.

Đức Phú đang đầu tư mở rộng diện tích sản xuất cây bồ đề và thu hút người dân địa phương tham gia sản xuất và thu hoạch, cũng như đào tạo họ các kỹ thuật bền vững.

Ông Trần Văn Đính, Phó Giám đốc công ty Đức Phú cho biết GREAT và Đức Phú cũng đang hỗ trợ các hộ trồng xen canh gừng với cây bồ đề. Điều này giúp người dân đa dạng hóa thu nhập và đảm bảo thu nhập trong ngắn hạn cho người dân.

“Vì cây bồ đề phải mất từ 5 đến 7 năm mới đủ trưởng thành để ra nhựa nên chúng tôi khuyến khích người dân trồng gừng xen canh giữa các cây bồ đề để có thể kiếm thêm thu nhập trong khi chờ cây trưởng thành,” ông Đính nói.

Dự án benzoin đã giúp thay đổi cuộc sống của những người phụ nữ địa phương như chị Liều. Chị chia sẻ rằng cuộc sống của chị đã dễ dàng hơn. Gia đình chị đã xây được nhà và giờ chị hiện có thể mua được một chiếc điện thoại thông minh, điều mà trước đây chị không thể làm được.

Quế

Việt Nam là nước sản xuất quế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Indonesia và Trung Quốc, và hiện đang xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu. Thị trường quốc tế về quế hữu cơ đã tăng trưởng 30-40% trong những năm gần đây và Vina Samex, một công ty xuất khẩu gia vị sang thị trường quốc tế, có thể đảm bảo đơn đặt hàng hàng năm khoảng 2.000 tấn.

Bốn đối tác của GREAT gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, tổ chức SNV, Công ty Hương Gia vị Sơn Hà và Công ty Vina Samex đang tạo cơ hội cho phụ nữ địa phương trong việc trồng và thu hoạch quế bằng cách cải thiện thực hành sản xuất quế và kết nối thị trường.

Vina Samex gần đây đã giới thiệu ứng dụng di động, Nhật ký điện tử QGS, cho hơn 700 gia đình ở Văn Bàn trong khuôn khổ dự án trồng quế hữu cơ do Vina Samex thực hiện với sự hỗ trợ từ GREAT.

Thông qua ứng dụng, từng hộ nông dân có thể ghi lại các hoạt động của mình và các chuyên gia của Vina Samex có thể thu thập thông tin từ xa và tư vấn kịp thời.

Chị Đặng Thị Diện, một phụ nữ trồng quế người Dao cho biết: “Ứng dụng rất dễ sử dụng với nhiều hình ảnh để lựa chọn, tốt hơn là dùng chữ.”

Chị Đặng Thị Diện làm việc ở vườn quế

“Thông qua ứng dụng, tôi có thể cung cấp thông tin cập nhật về cây quế của mình, những gì tôi đã làm trong ngày, v.v. Nếu cây bị bệnh, chúng tôi có thể chụp ảnh, tải lên ứng dụng và hỏi nên làm để điều trị cho cây. Chúng tôi nhận được lời khuyên từ các cán bộ rất nhanh chóng,” chị Diện nói.

Gai xanh

Ông Trần Văn Liên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Môi trường Gia Lân, là một trong những người tiên phong trong huyện Văn Bàn trồng thử cây gai xanh. Ông đã động viên các hộ khác cùng trồng và sau thu hoạch sẽ bán thân cây cho Hợp tác xã. Hợp tác xã sau đó sẽ bán gai xanh cho Công ty An Phước để chế biến thành sợi gai dùng dệt quần áo.

“Thời gian đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn vì sau nhiều lần thử nghiệm chuyển đổi cây trồng không thành công, mọi người đã bị mất niềm tin. Cũng có nhiều dự án khuyến khích chuyển đổi sang trồng các cây như cà chua và nghệ nhưng đều thất bại, vì không xây dựng được kết nối giữa nông dân và công ty thu mua,” ông Liên cho biết.

Với dự án GREAT, người dân đang kiếm được nguồn thu nhập ổn định nhờ trồng cây gai xanh và tổng diện tích vùng trồng trong huyện hiện nay đã đạt hơn 50 ha, với sự tham gia của 171 hộ, trong đó có 332 phụ nữ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số đến từ các nhóm dân tộc Tày, Dao, Mông và Xa Phó.

Chị em dân tộc Xa Phó làm việc trên ruộng gai xanh

Bánh chưng đen

Từ năm 2020, dự án GREAT đã bắt đầu hợp tác với Hội Phụ nữ Văn Bàn để hỗ trợ những doanh nghiệp do phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có cơ sở kinh doanh bánh chưng đen của chị Hoàng Thị Huế.  

Trước khi tham gia dự án, chị Huế mong muốn mở rộng cơ sở kinh doanh của mình nhưng không biết làm thế nào. Nhờ các khóa đào tạo và tư vấn thường xuyên, chị Huế giờ đã phát triển được sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ trong xã và kiếm được thu nhập 15-16 triệu đồng mỗi tháng. So với thu nhập trước đây chỉ 2-4 triệu một tháng, đây là mức tăng rất đáng kể.

Cơ sở sản xuất bánh chưng đen của chị Hoàn Thị Huế

Bánh chưng đen là một đặc sản truyền thống của người dân tộc Tày và sản phẩm bánh chưng của chị Huế hiện đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao dành cho sản phẩm có chất lượng cao và có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Chặng đường phía trước

Nông nghiệp là nền tảng trong cuộc sống của các cộng đồng ở Tây Bắc Việt Nam và là ngành cung cấp nguồn thu nhập quan trọng. Với các cơ hội nông nghiệp đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường rõ ràng, những cộng đồng này có cơ hội cải thiện tài chính gia đình và vững vàng hơn trước các cú sốc kinh tế. Bằng cách đảm bảo phụ nữ được tiếp cận với những cơ hội này, GREAT đang khuyến khích cơ hội tham gia bình đẳng cho phụ nữ và nam giới, đồng thời nỗ lực để làm thay đổi những chuẩn mực xã hội đang là rào cản khiến phụ nữ và gia đình họ không được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của khu vực.

Top